Blockchain, Cryptocurrency và ứng dụng trong Security (Phần 2)

Tommy_Nguyen

Moderator
Thành viên BQT
06/04/2022
24
41 bài viết
Blockchain, Cryptocurrency và ứng dụng trong Security (Phần 2)
Hello các bạn, lại là mình đây!!! Sau một thời gian ăn chơi trác táng thì mình đã trở lại và ăn hại gấp đôi… Ấy lộn, phải là lợi hại gấp đôi chứ. Cơ mà mình ở đây với mục đích gì ấy nhỉ? Chờ mình một xíu nha, để mình bật mode “Nhà văn Tommy” cái đã.

1, 2, 3... Bùm!!!

Okay, nhà văn Tommy của chúng ta đã trở lại rồi đây {21} Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến với bài viết tiếp theo của series “Blockchain, tiền điện tử cũng như các ứng dụng của nó trong Security”. Nội dung của phần 1 các bạn có thể xem tại đây.

Vimoney-smart-contract-la-gi-0.jpg

Như mình đã đề cập tới ở “after credit” của bài viết trước, trong bài viết này mình sẽ giải thích cho các bạn về Smart Contract (hợp đồng thông minh) cũng như mối quan hệ giữa Blockchain và tiền điện tử nhé.

Được rồi, hãy ngồi thoải mái, uống chén trà và cùng đàm đạo với nhà văn Tommy nào!

1. Smart Contract (hợp đồng thông minh) là gì? Có ăn được không?​

Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu xem Smart Contract là gì nhé. Để dễ hình dung hơn mình sẽ lấy một ví dụ trong thực tế và cùng phân tích:
  • Sau một thời gian tích góp, bác Bơm quyết định sẽ bỏ hết số tiền lương hưu mình để dành được để theo đuổi đam mê tốc độ. Bác quyết định xuống tiền mua lại con xe phân khối lớn rớt bô của anh Vá..
  • Nhưng do lo rằng anh Vá sẽ lươn lẹo cũng như muốn việc mua bán diễn ra thuận lợi, bác Bơm đề nghị anh Vá phải cam kết một số điều khoản như sau: xe có đầy đủ giấy tờ chính chủ; tình trạng xe phải đúng như mô tả, xe chưa bị thay đổi linh phụ kiện…
  • Anh Vá cũng muốn bác Bơm phải cam kết một số điều khoản mà anh đề ra: bác Bơm phải trả đầy đủ tiền trong vòng 1 tháng, mua hàng xong là cấm được trả lại…
  • Để những điều khoản này được pháp luật bảo hộ, cả bác Bơm và anh Vá quyết định sẽ lập nên một hợp đồng mua xe. Hợp đồng đó sẽ được in ra thành 3 bản, mỗi người giữ 1 bản và một bên đại diện pháp luật sẽ giữ bản còn lại.
Đây là một ví dụ hết sức bình thường trong cuộc sống. Tiếp theo đây hãy cùng mình đến với ví dụ thứ hai nhé:
  • Anh Tí là CEO của một tập đoàn chuyên kinh doanh quần áo với với chuỗi cửa hàng cụ thể là 2 kiot ở chợ Giời. Do quy mô của doanh nghiệp ngày càng lớn nên anh quyết định sẽ mua một phần mềm quản lý bán hàng.
  • Vì không muốn công khai danh tính để hàng xóm dòm ngó nên anh Tí quyết định sẽ thuê một nhóm freelancer chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử trên nền tảng Blockchain. Anh dễ dàng liên hệ được với một nhóm có leader là anh Tèo.
  • Cả anh Tí và anh Tèo đều có những điều khoản mà họ muốn đối phương phải đồng ý. Tuy nhiên khác với giao dịch giữa bác Bơm và anh Vá, anh Tí không thực sự biết rõ anh Tèo là ai (do tất cả mọi người trên hệ thống Blockchain đều được ẩn danh) và ngược lại, nên việc lập nên một hợp đồng thông thường giữa anh Tí và anh Tèo là bất khả thi.
Để giải quyết vấn đề mà 2 anh Tí - Tèo đang mắc phải, khái niệm Smart Contract đã ra đời. Hiện tại cũng không có bất kỳ một định nghĩa chính xác nào cho Smart Contract, nhưng mình có thể tóm tắt lại thành các ý như sau:
  • Smart Contract (Hợp đồng thông minh) là một chương trình máy tính được thiết kế để có thể chạy trên nền tảng Blockchain
  • Mục đích của chương trình này là tự động thực hiện hoặc kiểm soát các hành động của người tham gia sao cho phù hợp với các các quy tắc và điều kiện cho trước`
  • Các điều khoản trong Smart Contract có thể được tùy chỉnh theo ý của người viết hợp đồng
  • Nền tảng Blockchain sẽ nhận biết những người tham gia thông qua địa chỉ ví, do đó những người tham gia trong cùng một hợp đồng không cần thiết phải biết rõ về danh tính của nhau hoặc không cần phải tin tưởng lẫn nhau
Điều làm nên sự khác biệt giữa Smart Contract so với các hợp đồng thông thường là nó sẽ sử dụng Blockchain để lưu trữ dữ liệu. Mọi hành động của người tham gia hợp đồng sẽ được ghi vào trong một khối dữ liệu và nối tiếp vào một chuỗi dành riêng cho hợp đồng đó - tức là mỗi hợp đồng đều sẽ có một chuỗi khối khác nhau. Chuỗi khối này sẽ mang đầy đủ các tính chất giống như chuỗi dành cho việc lưu trữ các giao dịch mà mình đã nói ở bài đầu tiên.

Ngoài việc sở hữu các tính chất như tính toàn vẹn dữ liệu, tính nhất quán... Thì chuỗi khối trong các hợp đồng thông minh cũng sẽ có các thuật toán đồng thuận và những người xác thực khối. Mặc dù theo lý thuyết thì việc xác thực hợp đồng thông minh sẽ được thưởng bằng chính đồng tiền của nền tảng đó, nhưng hiện nay một số nền tảng đã cho phép những người viết hợp đồng thông minh được phép thưởng cho người xác thực khối bằng một loại tiền của riêng họ, và tất nhiên loại tiền đó phải được lập trình dựa trên chính nền tảng Blockchain mà họ viết Smart Contract.

Để phân biệt giữa loại tiền của chính nền tảng Blockchain và đồng tiền được lập trình “ăn theo”, chúng ta có 2 khái niệm mới là Coin và Token:
  • Coin: là đồng tiền “chính quy” của một nền tảng Blockchain. Ví dụ đồng Bitcoin của nền tảng Bitcoin, đồng Ethereum của nền tảng Ethereum...
  • Token: là đồng tiền được lập trình dựa trên các tiêu chuẩn có sẵn của một nền tảng Blockchain. Ví dụ đồng EOS dựa trên tiêu chuẩn ERC20 của nền tảng Ethereum, đồng CAKE hoặc BUSD dựa trên tiêu chuẩn BEP20 của nền tảng Binance
Được rồi, đó là sơ qua về những thứ liên quan tới Smart Contract. Chúng ta hãy cùng thảo luận về vấn đề tiếp theo nào.

2. Mối quan hệ giữa Blockchain và tiền điện tử​

Để hiểu được mối quan hệ giữa Blockchain và tiền điện tử thì trước tiên chúng ta cần hiểu tiền điện tử là gì đã. Để cho gần gũi và dễ hiểu nhất, thì về bản chất, các ứng dụng ví điện tử mà chúng ta thường sử dụng ngày nay như Momo hay Viettel Pay đều là các ứng dụng tiền điện tử. Nếu bạn muốn sở hữu 100.000 đồng tiền điện tử trong Momo thì bạn sẽ phải bỏ ra 100.000 Việt Nam đồng. Và tất nhiên, Momo cũng có nghĩa vụ phải mua lại 100.000 đồng tiền điện tử với giá 100.000 Việt Nam đồng nếu người dùng có nhu cầu. Không chỉ tiền trong các ví điện tử mà ngay cả số tiền trong ứng dụng ngân hàng hay trong tài khoản điện thoại của bạn cũng đều là một dạng của tiền điện tử đó nha.

Có bao giờ các bạn tự hỏi Blockchain từ đâu mà ra và tiền điện tử với Blockchain cái nào có trước, cái nào có sau không? Cho tới tận ngày nay, người ta vẫn chưa biết rõ Blockchain được ra đời như thế nào và ai là người khai sinh ra nó. Hầu hết khi được hỏi ai là cha đẻ của Blockchain, mọi người đều nghĩ ngay tới cái tên “Satoshi Nakamoto”. Nhưng trên thực tế thì đó chỉ là một cái tên ẩn danh và thông tin về người đứng đằng sau cái tên đó thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Do đó, để trả lời cho câu hỏi bên trên thì mình… không dám khẳng định ^^. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ về mặt bản chất thì mình có thể đưa ra vài ý kiến cá nhân như sau (ý kiến này chỉ mang tính chất tham khảo, mong các bạn đừng ném đá nha):
  • Thứ nhất, có thể tiền điện tử được ra đời trước Blockchain. Lý do là vì Blockchain được sinh ra là để lưu trữ các giao dịch, mà để có thông tin về các giao dịch thì hiển nhiên là phải có khái niệm về tiền điện tử trước rồi.
  • Thứ hai, hãy nhớ rằng một trong những tính chất quan trọng nhất của Blockchain là khả năng ẩn danh của người dùng. Một hệ thống mà không sử dụng tiền điện tử thì chắc chắn sẽ không thể nào đảm bảo tính chất đó được. Chính vì lý do đó, tiền điện tử phải là thứ có trước và nó sẽ được triển khai trong nền tảng Blockchain.
  • Thêm một điều nữa, theo những gì mà mình tìm hiểu trên Wikipedia thì đồng tiền điện tử Bitcoin là thứ được sáng lập ra trước, sau đó Blockchain là hệ thống được phát triển ra sau nhằm tạo ra một hệ thống giao dịch Bitcoin mà các thành viên không cần tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên cũng không thể khẳng định thông tin trên Wiki là hoàn toàn chính xác đúng không nào :p
Đến đây chúng ta có thể tạm đưa ra nhận xét: Blockchain được sinh ra nhằm mục đích tạo ra một hệ thống giao dịch tiền điện tử hoạt động một cách phân tán, trong đó các thành viên không cần tin tưởng lẫn nhau, kết hợp với một ý mà mình đã nhắc tới trong bài trước: Tiền điện tử là phần thưởng cho việc xác thực khối trong hệ thống Blockchain, chúng ta có mối quan hệ qua lại giữa Blockchain và tiền điện tử.

Vậy điểm khác biệt giữa tiền điện tử thông thường và tiền điện tử được triển khai trên nền tảng Blockchain như Bitcoin hay Ethereum là gì? Đối với các loại tiền điện tử triển khai trên nền tảng Blockchain thì mỗi người dùng đều sẽ được cung cấp một khóa bí mật. Mỗi khi muốn thực hiện các giao dịch như mua, bán hay gửi tiền thì người dùng đều phải cung cấp khóa bí mật này để hệ thống có thể xác thực người dùng (nhờ cơ chế này mà hệ thống có thể biết chính xác chủ sở hữu của tài khoản mà không cần phải biết thêm thông tin chi tiết về danh tính của người sử dụng). Ngoài ra khóa bí mật này cũng được sử dụng để mã hóa tài sản của họ, chính vì thế nên những đồng tiền điện tử triển khai trên nền tảng Blockchain còn có tên gọi khác là cryptocurrency, hay còn được dịch nôm na ra là "tiền mã hóa".

5962157_binance-1.jpeg


Đối với các bạn đã từng giao dịch tiền điện tử, các bạn có chú ý rằng khi tạo tài khoản trên các nền tảng như Binance hay Coinbase thì các bạn đều phải cung cấp thông tin cá nhân, mặc dù bản chất thì Blockchain là một nền tảng mà tất cả người dùng đều được ẩn danh không? Lý do là vì Binance hay Coinbase là các sàn giao dịch tiền điện tử chứ không phải là hệ thống Blockchain.

Mặc dù Binance cũng có một hệ thống Blockchain của riêng họ, nhưng tài khoản mà các bạn tạo là tài khoản trên sàn giao dịch chứ không phải là tài khoản trên hệ thống Blockchain. Sàn giao dịch tiền điện tử thì vẫn là một hệ thống quản lý tập trung và người quản lý các sàn giao dịch này phải chịu rất nhiều trách nhiệm về tài sản của người dùng ở trên đó. Chính vì thế họ không còn cách nào khác ngoài việc phải yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân.

Sau khi mua/bán tiền điện tử ở trên sàn thì số tiền đó mới được trả về ví của người dùng ở trên hệ thống Blockchain. Nếu các bạn đã từng giao dịch tiền điện tử thì hẳn các bạn sẽ biết ví Trust hoặc ví Metamask, thì đây mới chính là các ví nằm trên hệ thống Blockchain và tiền điện tử sau khi được mua từ trên sàn sẽ được trả về các loại ví này. Để sở hữu ví Trust hoặc ví Metamask thì các bạn không cần phải cung cấp bất cứ thông tin gì cả, mà chỉ cần nhớ một chuỗi gồm 12 từ tiếng anh bất kỳ. 12 từ tiếng anh này có vai trò giống như khóa bí mật mà mình đã đề cập ở trên.

Hay, có bao giờ bạn tự hỏi, nếu một đồng tiền điện tử mới được niêm yết lên sàn thì chắc hẳn người sáng lập ra đồng tiền đó sẽ có rất nhiều tiền, thậm chí là vô hạn tiền không? Điều này không hề đúng một chút nào nha.

Mình tin chắc rằng để một đồng tiền điện tử được niêm yết lên sàn thì trước đó không được có bất kỳ một người dùng nào (kể cả người sáng lập) có sở hữu loại tiền đó, hoặc nếu có thì người dùng đó đã phải trả một số tiền (pháp định) tương ứng cho sàn rồi. Một số đồng coin có cơ chế tặng tiền cho người tham gia trước khi đồng coin được niêm yết, thì tổ chức phát hành ra đồng coin đó sẽ phải bỏ ra số tiền (pháp định) tương ứng để trả cho sàn thay cho người dùng. Còn lại, tất cả những đồng coin có trong hệ thống đều sẽ được cho vào trong một địa chỉ ví mà không ai có quyền truy cập vào đó cả, và những đồng coin này chỉ được hệ thống lấy ra khi có người bỏ tiền ra mua hoặc được dùng để thưởng cho những người xác thực khối.

Hy vọng sau bài viết này các bạn đã hiểu thêm về Smart Contract cũng như mối quan hệ giữa Blockchain và tiền điện tử. Nếu có câu hỏi hay góp ý gì các bạn cứ comment cho mình nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết của mình. Còn bây giờ thì… hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau {21}



After credit: Mình biết là các bạn vẫn còn đang mong chờ điều này :) Thực sự là có khá nhiều thứ để nói về đồng tiền điện tử LUNA, nên mình quyết định sẽ dành riêng ra một bài viết để thảo luận về nó. Bài viết tiếp theo sẽ ra mắt muộn nhất là trong tuần sau nữa, các bạn hãy đón chờ nhé.

Tommy
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
  • Thích
Reactions: Vampires1607
Thẻ
blockchain cryptocurrency luna peer-to-peer
Bên trên