Tin giả: Nhận biết và phòng chống

16/06/2015
83
672 bài viết
Tin giả: Nhận biết và phòng chống
Những ngày này, thông tin về tình hình liên quan đến virus Corona (Covid-19) và dịch bệnh viêm phổi tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông và mọi người nói về nó ở bất kỳ nơi đâu. Song, không phải tất cả đều là thông tin chính thống và chính xác. Tin giả, tin thất thiệt xuất hiện tràn lan, tạo nên một mớ bòng bong thông tin thật giả lẫn lộn. Trước những diễn biến phức tạp của truyền thông, Bộ Y tế khuyến cáo “Không phát tán thông tin thất thiệt”.

Vậy thông tin thất thiệt là gì và tại sao lại được Bộ Y tế khuyến cáo trong chiến dịch phòng chống Covid-19?

FN01.png

Tin nhắn của Bộ Y tế

Nhận biết tin giả

Thông tin thất thiệt hay tin giả là thông tin bịa đặt, sai sự thật được cố ý lan truyền, thường xuất phát từ các sự kiện lớn, được dư luận quan tâm trong đời sống thực. Thực tế, sự kiện càng nóng, giật gân, tin giả liên quan xuất hiện càng nhiều.

Các loại tin giả, tin thất thiệt được phát tán dưới 3 hình thức.

- Phổ biến nhất là tin giả dạng tin tức như các bài viết trên trang tin không chính thống, các bài đăng, dòng "tút" trên mạng xã hội…, thường theo kiểu "giật tít câu view" để thu hút, hấp dẫn người xem.​

- Một hình thức khác, đối tượng xấu mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uy tín tạo ra các sự kiện giả như Tri ân khách hàng, Kỷ niệm 30 năm thành lập... với giải thưởng lớn lừa người dùng tham gia.​

- Các hình ảnh, video giả mạo. Trong đó, nổi bật nhất là Deepfake, công nghệ chỉnh sửa ảnh hoặc video dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).​

Tin giả, Deepfake không chỉ gây ra những tiêu cực trong đời sống xã hội, tác động xấu đến uy tín, danh dự, tài chính của cá nhân, tổ chức, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, cuộc sống của nhiều nạn nhân, thậm chí đẩy họ đến hành động thiếu kiểm soát, gây nguy hiểm đến tính mạng. Khó có thể kể hết những hệ lụy khôn lường mà tin giả, Deepfake gây ra.

Mục đích đầu tiên kẻ xấu tung tin giả thường nhắm tới là dụ người dùng bấm vào xem để câu Like, View, từ đó phục vụ việc quảng cáo, bán hàng.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu về người dùng là món lợi nhuận khổng lồ khiến kẻ xấu liên tục tìm cách tạo ra các thông tin giả, lừa người dùng tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân.

Thứ ba, tin giả được hacker tạo ra nhằm phát tán mã độc để kiểm soát thiết bị của nạn nhân, phục vụ các mục đích bất chính khác.

Vấn đề không của riêng ai

Trong một thế giới phẳng với sự bùng nổ của Internet và các thiết bị di động như hiện nay, mọi người, thuộc đủ mọi tầng lớp, địa vị hay màu da, sắc tộc… đều có thể là nạn nhân của tin giả.

Hãy lấy ví dụ với các tin giả xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo BuzzFeed News, trong ba tháng cuối của chiến dịch, 20 tin giả nổi bật về bầu cử như “Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary bán vũ khí cho IS”… thu hút được 8,711 triệu lượt chia sẻ, phản hồi và bình luận trên Facebook. Trong khi đó, 20 tin tức hàng đầu từ 19 trang tin lớn thu hút 7,367 triệu lượt chia sẻ, cảm xúc và bình luận. Các tin giả này được cho là đã làm nhiều cử tri thay đổi quan điểm bỏ phiếu của họ vào phút chót.

Hay như với Deepfake. Kể từ khi bắt đầu phổ biến năm 2017, đã có rất nhiều video giả mạo ứng dụng công nghệ này. Theo thống kê, có 20 diễn đàn chuyên về Deepfake, 100.000 thành viên tiếp cận, 96% video Deepfake là video khiêu dâm, 4% còn lại là video nội dung khác. Tiêu biểu nhất là video giả mạo cựu Tổng thống Barack Obama xúc phạm Tổng thống Donald Trump, khi thực tế ông không nói như vậy. Một ví dụ khác, tháng 4/2018, nhà báo người Ấn Độ có tên Rana Ayyub bị ghép mặt mình vào cơ thể một người phụ nữ khác trong video khiêu dâm trên Internet. Khi xem đoạn video này, Rana Ayyub đã khóc nhiều ngày rồi nhập viện vì quá hoảng loạn.

FN05.png

Tại Việt Nam, tin giả cũng lan tràn dưới đủ mọi hình thức. Một số tin tức giả mạo đã gây hoang mang lớn cho dư luận trong thời gian qua như: tin bắt cóc trẻ em của nữ công nhân Hoàng Thị L. tại Vĩnh Phúc, tin Ebola đã xuất hiện ở Bệnh viện Bạch Mai, máy bay rơi tại Đông Anh, vỡ đập hồ Núi Cốc, tin cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường tại tỉnh Gia Lai…

Đặc biệt năm 2018, sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam, Facebook xuất hiện hàng loạt tài khoản mạo danh cầu thủ, huấn luyện viên của đội tuyển nhằm mục đích câu like, view, tăng số lượng bạn bè, lượt theo dõi… Kẻ xấu tạo ra fanpage giả mạo đội tuyển U23 Việt Nam, yêu cầu để lại họ tên, số điện thoại, địa chỉ, yêu cầu like và share page để được tặng lịch có hình tập thể và chữ ký của đội tuyển. Chiêu trò này không mới nhưng vẫn có tới 27.000 người dùng làm theo. Từ đây, kẻ xấu có thể chiếm đoạt các tài khoản facebook được bảo mật yếu và thực hiện lừa đảo bằng cách nhờ bạn bè mua thẻ cào hộ hoặc nhận tiền qua mạng. Ngoài ra, các thông tin cá nhân của người dùng có thể bị bán cho các dịch vụ quảng cáo, bị nhắn tin/gọi điện mời chào các dịch vụ nhà đất, bảo hiểm...

FN02.png

FN03.png

Xuất hiện hàng ngàn tin tức giả mạo liên quan đến virus Corona

Liên quan đến dịch bệnh do virus Corona mà cả nước đang chung tay phòng chống, các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch, thông tin bị bóp méo về tình hình dịch bệnh, khiến người đọc nhầm lẫn, dẫn đến những nguy hiểm tiềm tàng. Nguồn gốc của chủng virus Corona mới chưa được tìm ra, tuy nhiên nhiều tài khoản tung tin ‘Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học của Trung Quốc tại Vũ Hán làm phát tán virus Corona’, ‘virus 2019-nCoV tại Vũ Hán được đánh cắp từ phòng thí nghiệm tại Canada trong nỗ lực phát triển vũ khí sinh học của Trung Quốc’, một video trên Youtube đưa tin đã có khoảng 90 nghìn người bị nhiễm bệnh... Hay như ngày 31/1/2019, mạng xã hội lan truyền thông tin đêm ngày 31/1, rạng sáng 1/2, toàn quốc sẽ phun thuốc ngừa dịch Corona trên bầu trời.

Gần đây nhất là các thông tin như ‘hơn 300 người đã trốn khỏi vùng dịch corona’, ‘3 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona về Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh)’, ‘Hà Nội có 40 người tử vong vì virus corona’. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là thông tin giả mạo, sai sự thật.

Bộ Công an cho biết đã ngăn chặn hàng ngàn tin, bài, thông tin sai lệch, thông tin giả về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận.

FN04.png

Hơn 170 trường hợp bị xử phạt vì tung tin sai lệch về virus Corona

Trên khắp cả nước, rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt vì tung tin giả liên quan đến virus Corona. Thông tin từ Bộ Công an, 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh do virus Corona đã bị triệu tập, xử lý, thông tin sai bị đề nghị gỡ bỏ. Riêng tại Thanh Hoá, chỉ trong 7 ngày từ 31/1 đến 6/2, các cơ quan chức năng tỉnh phát hiện 21 trường hợp người dân đăng tải thông tin thất thiệt về virus Corona, trong đó đã xử phạt 9 trường hợp với tổng số tiền trên 85 triệu đồng.

FN06.png

Theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ban hành ngày 03/02/2020, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ có mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái

Các chuyên gia phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng. Bạn cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước các thông tin giả mạo, bằng cách:

- Biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được

- Không tò mò bấm xem các tin bài giật tít câu view, nhìn qua đã thấy giả mạo

- Chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng

- Không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin

Để có những thông tin mới nhất, chính xác nhất liên quan đến dịch bệnh do virus Corona, hãy theo dõi thông tin từ cơ quan truyền thông chính thức của Bộ Y tế và các đài truyền hình quốc gia.

Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái!

WhiteHat.vn
 
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Bên trên