Vì sao nhiều quốc gia đồng loạt “phong sát” TikTok?

WhiteHat Team

Administrators
Thành viên BQT
09/04/2020
93
600 bài viết
Vì sao nhiều quốc gia đồng loạt “phong sát” TikTok?
Có mặt tại hơn 150 quốc gia và hỗ trợ đến 43 ngôn ngữ, hơn 1,53 tỷ người dùng, trong số đó 1,05 tỷ là người dùng hoạt động hàng tháng… là những con số thực sự ấn tượng mà phương tiện truyền thông xã hội phổ biến thứ 6 thế giới - TikTok - đang sở hữu. Tại sao TikTok hấp dẫn người dùng đến vậy nhưng các quốc gia lại e sợ sự “xâm chiếm” của nền tảng này?

22.png

“Lướt” TikTok mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi

Tiền thân của TikTok là Douyin ra đời năm 2016 tại Trung Quốc do công ty ByteDance phát triển. Mạng xã hội này cho phép đăng tải những clip ngắn dưới 3 phút với các hiệu ứng đẹp mắt và đa dạng về nội dung. Chỉ trong năm đầu tiên ra mắt, Douyin đạt 100 triệu người dùng và 1 tỷ lượt tải xuống tại Trung Quốc.

Năm 2018, ByteDance quyết định đưa nền tảng này ra “biển lớn”. Và từ đây, TikTok ra đời, trở thành ứng dụng có lượt tải xuống nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau WhatsApp năm 2019. Hai năm tiếp theo, TikTok leo lên vị trí đầu bảng - Theo Forbes.

Cái mà người dùng thích nhất ở TikTok có lẽ là khả năng bắt “sóng” cực nhanh. Họ có thể hóng những chuyện trên trời dưới biển chỉ qua màn hình điện thoại và chẳng bao giờ bị lạc hậu “thông tin”. Về điểm này, đúng là TikTok đã thấu hiểu tâm lý người dùng.

Vậy nhưng gần đây, TikTok lại phải hứng chịu làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ chính phủ các quốc gia trên thế giới với nhiều lý do.

Số lượng các quốc gia cấm TikTok vẫn không ngừng tăng lên

Được lòng con dân là vậy, TikTok lại khiến chính phủ các quốc gia phải “nóng con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Minh chứng là đã có rất nhiều quốc gia, nặng thì cấm thẳng tay, nhẹ thì hạn chế ứng dụng này.

map.png

- Ấn Độ: Ngay từ tháng 6/2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với mạng xã hội video ngắn TikTok với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng và cả những ứng dụng khác của Trung Quốc như WeChat, Weibo, Meitu… với cùng lý do. Đến tháng 1/2021, thì nước này tuyên bố “say bye bye” vĩnh viễn với những ứng dụng của các “pháp sư Trung Hoa”.

- Afghanistan: Lấy lý do bảo vệ thanh niên khỏi "lầm đường lạc lối" và nội dung TikTok không phù hợp với luật Hồi giáo, chính quyền Taliban của Afghanistan cũng đã cấm TikTok vào năm 2022.

- Các quốc gia Châu Âu: Tháng 3/2023, một loạt các quốc gia tại Châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch… đã ra lệnh cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp và phục vụ công việc với lý do về bảo mật thông tin quốc gia. Nhiều nhận định cho rằng các quốc gia này đã cấm TikTok quá muộn.

- Các tổ chức của Châu Âu: Nghị viện, Ủy ban và Hội đồng Châu Âu - 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh Châu Âu - đều đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên do lo ngại về an ninh mạng.

- Mỹ: Đầu tháng 3 năm nay, chính quyền tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp tại Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn TikTok khỏi quốc gia này. Và đương nhiên, một lần nữa, lý do lại là lo ngại về bảo mật dữ liệu. CEO của TikTok là ông Shou Zi Chew mới đây cũng đã phải tham dự phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ về các cáo buộc liên quan đến mạng xã hội này.

Thời Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ đã đưa ra lệnh cấm sử dụng TikTok vào tháng 8 năm 2020, cũng vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi các công ty của Mỹ đề xuất mua lại TikTok, lệnh cấm đã được rút lại.

- Trung Quốc: Kỳ lạ thay, chính Trung Quốc cũng cấm người dân trong nước sử dụng ứng dụng do mình tạo ra. Thay vì dùng TikTok như phần còn lại của thế giới, người dân tại quốc gia tỷ dân vẫn sử dụng Douyin - tiền thân của TikTok. Điều này có thể do chính sách quyền riêng tư khác biệt giữa hai nền tảng.

Hiện tại, đã có tổng 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức ban lệnh cấm Tiktok trên các thiết bị của nhân viên, 3 quốc gia cấm hoàn toàn.

Những mối lo ngại của các quốc gia xuất phát từ đâu?

Có nhiều lý do khiến chính phủ các nước cấm hoặc hạn chế TikTok tại quốc gia của mình, nhưng có thể điểm qua vài lý do chính sau đây:

Là ứng dụng có “nguồn gốc” Trung Quốc:

Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất khiến TikTok không được lòng chính quyền của nhiều nước. Họ lo ngại rằng sản phẩm này sẽ thu thập thông tin người dùng của nước mình và được sử dụng như một công cụ do thám, thu thập dữ liệu, tuyên truyền thông tin cho chính phủ Trung Quốc.

Cho dù Facebook, Twitter, Instagram… cũng thường xuyên thu thập thông tin người dùng để phục vụ cho targeted advertising (quảng cáo có mục tiêu), nhưng lại chỉ có TikTok “bị ghẻ lạnh”.

Đến nay, chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh những mối lo ngại trên. Tuy nhiên, đúng là TikTok yêu cầu rất nhiều quyền nhạy cảm của người dùng như thông tin cá nhân, vị trí địa lý, dữ liệu sinh trắc học, nội dung tin nhắn, nội dung được copy lưu trong khay nhớ tạm… Chính điều này khiến chính phủ các quốc gia lo sợ về quyền năng và dữ liệu khổng lồ mà TikTok có được.

Dù tại phiên điều trần ngày 23/03/2023, CEO của TikTok đã tìm cách chứng minh sự độc lập của ứng dụng này với Chính phủ Trung Quốc nhưng đều không thuyết phục được Quốc hội Mỹ.

Rob Joyce – Giám đốc An ninh mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - đã trả lời trong một bài phỏng vấn rằng TikTok giống như một khẩu súng đã lên nòng đe dọa đến vấn đề an ninh mạng quốc gia của nhiều nước. Vậy nên phản ứng của những quốc gia này là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Quan ngại về mặt nội dung

Theo quy trình, các video của TikTok đều được kiểm duyệt bằng AI và con người, nhưng trên ứng dụng này vẫn tràn lan những video “rác” với nội dung nhảm nhí, độc hại, ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều video thậm chí còn gây phản cảm, không phù hợp với văn hóa của các quốc gia.

Tệ hơn, có thuyết âm mưu cho rằng lý do người dân Trung Quốc không sử dụng TikTok mà là Douyin là vì Douyin có bộ lọc chặt chẽ hơn và thuật toán chính xác hơn TikTok. Douyin thường đề xuất cho người dùng những video có nội dung bổ ích, khích lệ người trẻ học tập và thành công, trong khi TikTok thì làm những điều ngược lại.

Phải chăng việc tách biệt hai nền tảng này là để Trung Quốc dễ bề kiểm soát về mặt nội dung theo mục đích riêng của mình? Nhận định này mới chỉ dừng lại ở thuyết âm mưu nhưng phải thừa nhận rằng việc kiểm duyệt nội dung của TikTok vẫn còn nhiều vấn đề.

Nội dung của TikTok rất đa dạng, từ ẩm thực, thời trang, bói toán đến tin tức nóng hổi, mê tín dị đoán kể cả các nội dung khiêu dâm… nên khả năng giữ chân người dùng là cực kỳ đáng gờm và dần biến họ trở thành những “con nghiện”.

Việc xem TikTok liên tục trong thời gian dài có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh đã phản ảnh rằng con họ có biểu hiện rối loạn vận động như chập môi, nháy mắt, nhếch mép khi nói chuyện.

Tiến sĩ Donald Gilbert - chuyên gia thần kinh học tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) - cho biết trung bình cứ tám đứa trẻ đến khám tại đây năm ngoái có một trẻ mắc chứng rối loạn vận động. Một nửa trong số đó đã phục hồi hoàn toàn sau điều trị, trong đó có cả liệu pháp tránh xa TikTok.

Ngay cả với người trưởng thành, chứng “nghiện” TikTok cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc lướt TikTok không ngừng nghỉ, thậm chí thâu đêm đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng đồng thời khiến họ sao nhãng công việc, học tập.

Trẻ em có nên dùng TikTok?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Và nếu dùng thì kiểm soát như thế nào?

Hình ảnh dưới đây là kết quả khảo sát của WhiteHat về Vấn đề “Liệu trẻ em có nên sử dụng TikTok?”:

21.png

Có thể thấy, hầu hết người tham gia khảo sát cho rằng trẻ em thì không nên dùng TikTok.

Trẻ em thường tiếp nhận thông tin một cách thụ động, không có chọn lọc. Việc thuật toán TikTok thường xuyên gợi ý nhiều dạng nội dung video để tìm hiểu người dùng có thể khiến trẻ tiếp cận với những nội dung không lành mạnh và gây ảnh hưởng xấu đến hành vi của trẻ. Chưa kể việc sử dụng thiết bị di động tùy ý, thiếu sự giám sát của phụ huynh, trẻ có thể cung cấp cho ứng dụng nhiều quyền truy cập thông tin nhạy cảm.

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc An ninh mạng Bkav – cho biết: “Đối với nền tảng TikTok hay bất kỳ nền tảng giải trí nào khác, trẻ em đều phải có sự giám sát của phụ huynh khi sử dụng. Cha mẹ cần sát sao trong việc giám sát con em mình khi sử dụng để sớm phát hiện những tác động tiêu cực. Theo các chuyên gia tâm lý, tùy vào độ tuổi của trẻ, phụ huynh có thể điều chỉnh thời gian sử dụng internet phù hợp nhưng không quá 2 tiếng/ngày. Phụ huynh cũng có thể áp dụng một số giải pháp giám sát nội dung và thời lượng truy cập Internet của trẻ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chủ động giáo dục ý thức về các nguy cơ, hướng dẫn, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết trên môi trường mạng”.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát hoạt động của TikTok tại Việt Nam nhằm kiểm soát thuật toán, bộ lọc video của nền tảng này tại Việt Nam. Đây là động thái cho thấy Việt Nam đang siết chặt việc quản lý và yêu cầu nền tảng này phải tuân theo những quy định của pháp luật Việt Nam.

Kết lại, TikTok hiện đang là xu hướng mới, chúng ta không thể hoàn toàn cấm việc sử dụng TikTok. Tuy nhiên, hãy tìm cách để sử dụng TikTok một cách thông minh, biến nó trở thành một công cụ có ích. Hy vọng rằng dưới sức ép của nhiều quốc gia, thuật toán và chính sách bảo mật của TikTok sẽ minh bạch và người dùng có thể an tâm sử dụng ứng dụng này như bao mạng xã hội khác.

WhiteHat
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Mời các bạn tham gia Group WhiteHat để thảo luận và cập nhật tin tức an ninh mạng hàng ngày.
Lưu ý từ WhiteHat: Kiến thức an ninh mạng để phòng chống, không làm điều xấu. Luật pháp liên quan
Thẻ
tiktok
Bên trên