Thời gian ban đầu tiếp xúc với code có lẽ rất khó khó khăn. Nhưng chẳng có gì là không thể cả. Chỉ cần chăm chỉ + tư duy tốt thì code chẳng thành vấn đề. Cái cơ bản là phải thực hành nhiều, cái gì làm nhiều, làm đúng phương pháp ắt sẽ thành công thôi
1. Code mọi lúc mọi nơi
Muốn nâng cao kỹ thuật lập trình thì yếu tố quan trọng nhất là bạn phải code thường xuyên. Nó sẽ giúp bạn quen với việc tư duy, xử lí các vấn đề mà bạn gặp phải. Ngoài ra, nó còn giúp bạn sử dụng linh hoạt, thuận lợi các cú pháp, các kĩ năng, thủ thuật trong lập trình. Đồng thời, nó còn giúp bạn dễ dàng nhận biết những lỗi đang mắc phải trong chương trình của mình vì bạn có thể đã từng gặp những lỗi này.
2. Tham gia vào các diễn đàn:
Tham gia vào các diễn đàn ngoài việc bạn có thể đặt câu hỏi, giải đáp thắc mắc về vấn đề đang mắc phải thì bạn còn có thể đóng góp những ý tưởng của mình cho mọi người cùng thảo luận, bàn bạc để hoàn thiện ý tưởng đó hơn. Nó còn giúp bạn có thể học hỏi, giao lưu với nhiều coder khác trên diễn đàn.
3. Tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn:
Phương pháp này có thể nói là rất quen thuộc. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng nó một cách tốt nhất. Tài liệu về lập trình thì có rất nhiều nguồn như: sách, các mã nguồn mở được chia sẻ trên các website, diễn đàn uy tín, blog của các coder có tên tuổi,.. Tuy nhiên, các bạn không chỉ cần đọc, hiểu chúng mà còn phải tự tay mình code thử các mã nguồn hoặc ví dụ. Đồng thời, bạn cũng nên từ những mã nguồn, ví dụ đó mà tư duy ra những trường hợp khác và code thử. Nó sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn các vấn đề.
4. Tham gia vào các công việc duyệt code, test code:
Khi nghe đến công việc này, nhiều người sẽ nghĩ nó thật nhàm chán. Suốt ngày chỉ nhập dữ liệu, kiểm tra lỗi của code,... Vậy thì có gì hay ho và lợi ích đâu? Câu trả lời là “Có”. Công việc này có thể giúp bạn rèn luyện được cách đọc code của người khác, cũng như biết ưu và nhược điểm code của họ. Từ đó, bạn biết được nhiều kỹ thuật xử lí code hơn, giúp tối ưu hơn code của chính mình. Thật là lợi ích phải không nào?
5. Ôn lại kiến thức bằng cách viết bài hoặc dạy lại người khác:
Qua thời gian, mọi thứ đều có thể bị lãng quên và kiến thức cũng không là trường hợp ngoại lệ. Vì thế bạn nên tìm ra cho mình những cách rèn luyện để não bộ của bạn không quên đi những kiến thức mà mình đã học được. Ngoài những cách như lấy kiến thức ra ôn lại hoặc code lại để chống quên thì bạn còn có thể giúp não bộ ghi nhớ bằng phương thức viết bài đăng lên trang blog riêng, web hoặc dạy lại cho người khác. Bởi vì muốn làm được những điều đó thì bạn phải tổng hợp lại những kiến thức của chính mình. Do đó kiến thức một lần nữa sẽ được ghi nhớ trong đầu bạn.
6. Sử dụng công cụ debug:
Khi viết chương trình, chắc hẳn ai cũng đã từng gặp phải những lỗi về logic. Khi đó, các bạn phải ngồi suy ngẫm, phát hiện và sửa lỗi lại những lỗi logic ấy. Mà công việc này hầu như là không bao giờ được gọi là dễ dàng. Nó có thể làm cho bạn vô cùng nhức đầu và stress. Hiểu được khó khăn ấy, các IDE hiện nay đều hỗ trợ các công cụ debug nhằm giúp cho các coder dễ dàng hơn trong việc sửa lỗi. Quen thuộc nhất, chúng ta có thể nhắc đến công cụ debug của Visual Studio. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về nó trong bài viết Cơ Bản Debug Trong Visual Studio ::
www.stdio.vn/articles/read/34-co-ban-debug-trong-visual-studio.
7. Làm việc nhóm:
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe qua nhiều lợi ích của làm việc nhóm trên nhiều lĩnh vực làm việc cũng như học tập. Trong lập trình cũng thế, làm việc nhóm giúp bạn có thể học tập từ các bạn bè và đồng nghiệp của mình những kỹ thuật và kinh nghiệm. Nó còn giúp bạn làm quen với môi trường làm việc tập thể, kết hợp để cùng nhau để tạo ra một dự án hoàn thiện nhất có thể.
Tất cả những điều trên chỉ là lý thuyết, còn cái chính nhất là do bạn nỗ lực đến đâu, đặt mục tiêu như thế nào.